Thứ Tư, 16 tháng 3, 2011

MẸ KỂ CON NGHE...

Con trai yêu quý! Có một điều mẹ ấp ủ từ lâu muốn tâm sự với con mà đến hôm nay mẹ quyết định kể cho con nghe dù biết con mới có 6 tuổi chưa biết đọc biết viết thì làm sao mà hiểu được nhưng mẹ hy vọng khi lớn lên, con đọc được sẽ hiểu thêm về câu chuyện của bố và mẹ.
Đối với bố và mẹ, con là một sản phẩm rất hoàn hảo và vô giá của một tình yêu suốt gần 4 năm đại học cho đến bây giờ là gần 13 năm với bao nhiêu niềm vui, nỗi buồn và có cả những khó khăn. Có những khó khăn bố mẹ đã có thể lường trước và những khó khăn mới nảy sinh. Dẫu có những lúc vất vả và mệt mỏi pha lẫn những giây phút tủi thân khi nhìn những người khác được chồng đưa đón và những khi không được chồng quan tâm… Mẹ đã đoán trước được điều này khi yêu bố con và cũng đã chuẩn bị sẵn tinh thần. Mẹ phải thừa nhận là có những lúc mẹ rất nản lòng và thấy chán nữa nhưng vượt lên trên hết tất cả những khó khăn, mẹ vẫn nhận thấy rằng mẹ không bao giờ hối tiếc về quyết định của mình.

Mẹ và bố biết nhau khi mới bước chân vào cổng trường đại học khi trường ĐH của mẹ tổ chức tập quân sự. Lúc đó các bạn trong lớp đều rất xa lạ vì mọi người chưa biết nhau. Lẫn trong những người bạn cùng lớp, mẹ nhìn thấy một người có thể nói là đẹp trai đang cặm cụi viết mà viết bằng tay trái. Mẹ thầm nghĩ “Ơ bạn này viết tay trái này. Giỏi thật đấy mà chữ cũng không xấu lắm” Nhưng rồi mẹ rất bất ngờ khi người ấy đứng lên và mẹ phát hiện người ấy chỉ có một cánh tay trái. Cánh tay phải gần như là mất hết. Lúc đó tự nhiên mẹ chẳng thấy sợ đâu mà trong mẹ trào dâng một cảm xúc khó tả: khâm phục và đồng cảm. Thời gian qua đi, mẹ và người ấy trở nên thân nhau hơn qua những buổi học ở thư viện và những buổi ôn thi. Mẹ và người ấy trở thành hai người bạn, có thể thân thiết hơn hai người bạn bình thường. Rồi mẹ biết vì sao người ấy chỉ có một cánh tay trái. Năm người ấy lớp 6, một tai nạn đáng tiếc đã xảy ra là hậu quả của một trò nghịch dại đã vĩnh viễn lấy đi của người ấy cánh tay phải trước sự đau đớn của bố mẹ, anh chị và người thân. Do chuyển lên bệnh viện Việt Đức quá chậm nên bác sỹ không thể làm được gì hơn là phải cắt tay phải đi. Khi biết rõ ngọn ngành câu chuyện, mẹ cảm thấy thương người ấy vô cùng. Trong mẹ tồn tại hai tình cảm dành cho người ấy: tình yêu và tình thương. Dù bị tay như vậy nhưng người ấy không hề mặc cảm mà ngược lại rất tự tin và còn học rất giỏi. Không những thế, điều kiện gia đình cũng không hề khá giả. Bố mẹ đã già mà nhà lại đông anh em. Người ấy là con út trong gia đình. Thời gian cứ thế trôi đi rồi đến khi năm thứ nhất đại học đã gần trôi qua. Mẹ và người ấy phải chia tay nhau để về nghỉ hè. Mỗi người một nơi: Nam Định và Hải Dương. Mẹ về nghỉ hè trong sự nhớ nhung và thiếu nợ một câu trả lời cho lời tỏ tình đặc biệt của người ấy. Trước khi về nghỉ hè, người ấy có tặng mẹ một băng ca nhạc có những bài mà người ấy hay nghe và rất thích. Dù được nghỉ hè về với bố mẹ và các em vốn là sự chờ đợi của mẹ sau bao nhiều ngày đi học xa nhà nhưng sao mẹ vẫn nghĩ nhiều đến người ấy và buồn lắm. Mỗi khi mở những bài hát trong cuốn băng người ấy tặng, mẹ nhớ người ấy vô cùng và vừa nghe nhạc vừa khóc. Mẹ đã yêu người ấy thật rồi. Nhiều lúc gần đến giờ bố mẹ đi làm về phải vội vàng lau nước mắt không bố mẹ mà biết chuyện thì chết. Mẹ sợ bố mẹ mà biết thì sẽ bị sốc và sẽ không bao giờ đồng ý với mối quan hệ này. Cũng dễ hiểu thôi vì bố mẹ nào mà chẳng muốn con mình được hạnh phúc và sung sướng. Bố mẹ mà biết con gái mình yêu thương một người không bình thường thì chắc sẽ rất thất vọng. Bao nhiêu công sức nuôi nấng và dạy dỗ từ tư khi còn trong bụng đến khi lớn lên lại yêu một người chỉ có một cánh tay trái thì chắc chắn là sẽ khổ. Rồi còn sĩ diện của bố mẹ nữa chứ mà bố của mẹ rất thương con và nghiêm khắc. Mẹ cũng biết trước được điều đó nhưng mẹ vẫn dành tình cảm cho người ấy, một tình cảm chân thành không toan tính. Mấy tháng hè cũng sắp qua mà mẹ chẳng nhận được bức thư nào của người ấy. Mẹ buồn và thất vọng lắm. Cho đến một hôm lá thư mẹ mong chờ cũng đã đến. Mẹ rất háo hức mở thư ra đọc nhưng thật bất ngờ, giọng điệu trong thư người ấy rất khác: lạnh lung và bất mãn. Mẹ nhớ nhất một câu “Hay là Dịu không muốn kết bạn với người khuyết tật?” Câu nói này làm mẹ rất uất ức vì nó như một gáo nước lạnh dội vào trái tim mẹ. Sao người ấy lại có thể nói thể được nhỉ? Rồi mẹ quyết định không thèm viết thư trả lời và giữ sự hậm hực cho đến những ngày cuối cùng của kỳ nghỉ hè khi mẹ bất ngờ nhận được 2 bức thư của người ấy đã bị thất lạc từ mấy tháng bây giờ mới đến tay mẹ. Đọc thư xong, mẹ đã hiểu rõ ngọn ngành. Vì người ấy viết cho mẹ hai bức thư mà không nhận được hồi âm của mẹ nên người ấy nghĩ mẹ không quan tâm và không có tình cảm dành cho người ấy. Biết vậy, mẹ cũng không trả lời và để đến khi mẹ lên Hà Nội để bắt đầu năm học mới mẹ mới gặp người ấy nói rõ mọi chuyện.
Buổi tối trước buổi học đầu tiên của năm học mới, mẹ đã nhận được một bó bánh gai của một cậu bé lạ mang vào. Mẹ hỏi bánh ở đâu thì biết có một người gửi cậu bé này mang vào cho mẹ. Mẹ đã linh cảm đó là người ấy hơn nữa bánh gai là đặc sản của Nam Định. Rồi mẹ chạy ra cổng thì không thấy ai cả. Mẹ sang nhà một người bạn thì mới biết là người ấy vừa ở đó ra và mang đến cho họ bánh gai. Lúc đó mẹ tức giận vô cùng và không hiểu tại sao người ấy lại không thèm gặp mẹ. Về đến cổng, mẹ nhìn thấy người ấy đang đứng ở trước mặt. “Tại sao T đến đây mà không vào gặp D? T quá đáng quá!” mẹ hỏi với giọng rất tức giận. “Có phải D không muốn kết bạn với người khuyết tật như T?” người ấy hỏi với một vẻ thất vọng và bất mãn. Chẳng ai nói với ai câu gì rồi người ấy chia tay ra về. Mẹ buồn lắm. Hôm sau đi học, chẳng ai nói với ai câu gì. Mặt ai cũng đầy căng thẳng và tức giận. Cuối buổi học đầu tiên, không thể chịu được cảm giác căng thẳng khó chịu, mẹ và người ấy đã quyết định nói rõ ngọn ngành với nhau. Cuộc nói chuyện kèm theo to tiếng kéo dài hơn hai tiếng đồng hồ. Cũng may mọi chuyện được giải quyết êm đẹp. Chuyện gì đã qua thì cho qua. Mẹ và người ấy đã làm hoà. Không những thế mẹ và người ấy còn hẹn nhau đi chơi ở Hồ Gươm vì từ hồi mẹ ra Hà Nội mẹ chưa biết Hồ Gươm. Buổi đi chơi với nhau đầu tiên đã đến. Mẹ và người ấy chở nhau trên chiếc xe đạp cũ. Mẹ người trước, người ấy ngồi đằng sau đạp xe cho mẹ. Đi được một đoạn thì xe bị thủng xăm. May qua, ở gần bến xe buýt có một hàng sửa xe. Thế là mẹ và người ấy mang xe vào sửa. Trong lúc chờ đợi, mẹ và người ấy đã ngồi ở bến chờ xe buýt. Rồi người ấy lại hỏi mẹ câu hỏi mà mẹ còn nợ câu trả lời. Nhưng mẹ vẫn giữ im lặng và chẳng trả lời mà cúi gằm xuống. Thế rồi người ấy tự nhiên hỏi mẹ “D đồng ý nhé” và mẹ đã gật đầu. Người ấy vui lắm và mẹ cũng vậy. Đúng lúc đó, xe đạp đã được sửa xong. Mẹ và người ấy lại bon bon trên đường như lúc chưa hỏng xe nhưng tâm trạng hai người thì hoàn toàn thay đổi: hạnh phúc và đầy hy vọng. Và thế là tình yêu giữa mẹ và người ấy bắt đầu từ ngày ấy cho đến bây giờ đã gần 13 năm, từ mùa thu năm 1999 và ngày 11/10/2003 là ngày cưới của mẹ và người ấy.

Đọc đến đây con có thể biết “người ấy” là ai rồi đúng không. Đó là người bố đáng kính và đầy nghị lực của con đó. Đã có lần mẹ kể cho con bố là tấm gương sáng để con noi theo. Kế từ khi bố và mẹ chính thức yêu nhau cho đến bây giờ đã có nhiều niềm vui và có cả những nỗi buồn với nhiều kỷ niệm mà mẹ sẽ không bao giờ quên. Rồi mẹ sẽ kể cho con nghe thêm nhé.

Thứ Ba, 15 tháng 3, 2011

VĂN ÔN VÕ LUYỆN :-)

Nhanh thật đấy, tháng 8 này là con vào lớp 1. Mẹ đang mong muốn cho con thi vào Trường Nguyễn Siêu hoặc Đoàn Thị Điểm. Nếu không được, con sẽ vào học ở trường TH Tân Định gần nhà. Mẹ đã nộp hồ sơ vào Trường Nguyễn Siêu và 23/4 con sẽ giao lưu dự tuyển. Trường ĐTĐ thì chưa bán hồ sơ. Hai trường này tuyển chọn rất chặt chẽ không khác gì tuyển sinh đại học. Các em bé phải có khả năng về tiếng Anh, về toán, trí tưởng tượng tốt, ăn nói phải to, rõ ràng… Trong các kỹ năng thì mẹ lo nhất là khả năng tưởng tượng của con vốn không được tốt. Để yên tâm hơn, mẹ đã đăng ký cho con tham gia CLB Tuổi Thơ ở Trường Đoàn Thị Điểm. Khi tham gia CLB này, con sẽ được trang bị những kiến thức cũng như làm quen với môi trường lớp 1 và giúp con tự tin hơn trong giao tiếp. Quả thật mẹ đã phải đấu tranh tư tưởng trước khi cho con tham gia CLB này vì hiện nay con đang học tiếng Anh ở Apollo, Piano ở Nhạc viện, UCIMAS nên mẹ sợ sẽ quá sức với con. Nhưng khi hỏi những người có kinh nghiệm thì mẹ thấy các hoạt động ở CLB Tuổi Thơ rất nhẹ nhàng và thư giãn. Các môn học con đang theo cũng mang tính chất vừa học vừa chơi. Vì vậy, mẹ quyết định cho con tham gia CLB. Bà ngoại lo lắng nói với mẹ qua điện thoại “Khổ thân thằng bé. Mới tí tuổi đã phải ôn thi không khác gì đại học. Lúc nào nghỉ cho nó về đây chơi cho thư giãn”.
Ngày thứ Bảy, 12/3 là buổi học đầu tiên của con. Con sẽ học đến 21/5. 6h50 sáng bố mẹ đưa con đến tập trung tại điểm đón xe gần nhà. Hôm đó con phải dậy rất sớm (6h sáng) nhưng con đã rất ngoan vì con rất háo hức đi học. Con học bán trú cả ngày và ăn sáng ở trường luôn. Lần đầu tiên con đi học bằng ôtô của trường một mình (Tất nhiên là có cô giáo đi cùng) nhưng con rất ngoan. Lên xe con còn “Goodbye mẹ nhé!” Bố mẹ rất vui và hy vọng con có những ngày “ôn luyện” thật vui và bổ ích. Buổi chiều bố mẹ đón con lúc 5h chiều tại điểm đón như lúc sáng. Mới có từ sáng mà sao mẹ thấy nhớ con thế và rất mong gặp con bước từ trên xe xuống. Chờ một lúc thì xe mới về bến. Nhìn thấy con, bố mẹ vui lắm. Tay tung tăng xách túi rồi tíu tít gọi bố mẹ. Thế là kết thúc ngày “thử thách” đầu tiên.
Hôm đó, con được 2 điểm A. Một điểm kể chuyện, một điểm làm bài trắc nghiệm. Cô còn phê là con kể truyện rất bé. Mẹ hỏi ra thì con bảo “Con không biết kể chuyện.” Mẹ hiểu vì khả năng kể chuyện theo tranh của con không được tốt. “Bi ơi, điểm A là giỏi hay chưa giỏi”, mẹ tò mò hỏi Bi. “Điểm A là thấp nhất mẹ ạ. Điểm H là cao nhất!” Con một mực khẳng định. Mẹ thấy lạ nhưng không chắc chắn nên mẹ gọi điện cho bác Bao có anh đang học lớp 1 ở ĐTĐ thì mới biết điểm A+ là cao nhất. Chắc điểm A là bình thường. Buồn cười quá Bi ạ!
Còn chuyện này nữa. Hôm ấy con ho lắm nên mẹ gửi thuốc ho có viết thư cho cô và dăn con đến lớp thì đưa cho cô để cô cho uống. Ai dè, lúc chiều đón con về mẹ hỏi con uống thuốc chưa thì con nói là cô cho uống rồi. Mẹ mở túi ra thấy thuốc còn nguyên. “Thế cô cho con uống thuốc gì mà thuốc mẹ gửi còn nguyên thế này?” Mẹ rối rít hỏi. “Cô cho con uống thuốc Augmentin mẹ ạ”. Trời đất, cô giáo cho con mẹ uống nhầm thuốc của bạn khác hay sao ấy. Vì con đã uống thuốc kháng sinh này khi đau tai rồi nên con nhớ tên thuốc lắm. Nếu con nói đúng như vậy thì may là con bình an vô sự. Tốt nhất là lần sau không gửi thuốc đi nữa.
Ngày đầu tiên trong chiến dịch “ôn luyện” của Bi đã là một mở màn đầy hứa hẹn. Chúc cu Bi đi học ngoan, khoẻ và thành công trong các kỳ thi nhé.