Thứ Ba, 19 tháng 4, 2011

Động đất

Đang ngồi xem tivi, mẹ thấy chóng mặt ngỡ là mình bị cảm. Đang chưa định thần thì nghe thấy bố con nói “Em ơi, nhà bị rung em ạ. Động đất rồi!” Lúc đó là khoảng 9h tối ngày 24 tháng 3 năm 2011. Hốt hoảng quá, mẹ vội vàng bế con chạy ra khỏi nhà. Vừa ra cửa thì thấy mấy chú ở nhà đối diện bảo “Chị ơi động đất hả chị?” Thế là mẹ càng phải nhanh chân quắp con xuống sảnh. Vừa chạy vừa sợ, tim đập loạn nhịp. Mọi người chạy toán loạn ở cầu thang. Xuống đến sảnh thì thấy mọi người Cũng may là nhà mình đã chuyển từ tầng 18 xuống tầng 4 nên chạy cũng nhanh hơn. Xuống dưới dảnh thấy mọi người xúm đông lại. Mặt ai cũng hốt hoảng xám ngoét. Người thì chạy vào ôtô đỗ ở sân. Nhà thì vội đưa nhau đi đến nhà người quen để lánh. Trời thì lạnh mà vội quá chẳng mặc áo khoác cho con và chân thì không đi dép. Thế là mẹ phải quắp 26 kg đứng ở sân, chạy ra lại chạy vào. Thật may là bố vẫn đủ bình tĩnh để khoá cửa và mang theo áo khoác cho con. Trong lúc trú chân ở sảnh, mọi người bàn tán xôn xao, hỏi han nhau ầm ĩ. Có bác ở tầng 10 đang rửa bát thì thấy tủ bếp nghiêng hẳn. Nhìn ra bể cá thì nước sóng sánh như nước biển. Còn nhà bạn Minh Hoàng của con ở tầng 18 thì thấy nền nhà nghiêng hẳn còn các vật treo tường thì nhảy múa loạn xạ. Hỏi ra thì mới biết là Hà Nội bị dư chấn của động đất ở Myanmar và Lào. Mọi người chưa được chuẩn bị kiến thức xử lý tình huống khi động đất nên rất hoảng hốt. Theo các chuyên gia thì động đất thường xảy ra rất nhanh trong vòng mười mấy giây. Mọi người không được hoảng hốt mà phải bình tĩnh chui xuống gầm bàn để trú ẩn. Nếu có bị làm sao thì đã bị ngay rồi chứ chạy ra khỏi nhà là không đúng. Đằng này, sau khi biết động đất là mẹ vội bế con xuống tầng 1 ngay. Đúng là sai sách. Cũng may là con đang mải xem hoạt hình nên không thấy gì nên không bị ảm ảnh. Còn mẹ thì đây là lần đầu tiên biết cảm giác dư chấn động đất nên đến giờ nghĩ lại vẫn sợ.
Dù sao cũng là một buổi tối đáng nhớ. Mẹ hy vọng điều này sẽ không xảy ra nữa. Thế mới biết người dân Nhật Bản luôn luôn bị đe doạ bởi thảm hoạ động đất. Chưa khắc phục được trận này lại bị trận khác. Thật may vì mình ở Việt Nam!

Chút lo lắng của mẹ

Con trai của mẹ!
Mấy hôm nay mẹ lo lắng vì thứ Bảy tuần này là con thi vào Trường tiểu học Nguyễn Siêu vốn là nguyện vọng 1 mà con lại đang bị khản tiếng. Không những thế, con còn bị nhiệt lưỡi. Vì vậy, giọng của con vừa khàn, vừa trầm và còn hơi méo. Mỗi lần muốn nói to mẹ thấy con hơi khó. Đã thế con lại nói nhiều nên mấy hôm liên con vẫn chưa khỏi. Một trong những tiêu chí của các trường khi tuyển chọn các con là không bị nói ngọng vậy mà đúng đến ngày thi con lại bị vấn đề về giọng. Mẹ có hỏi kinh nghiệm bác cùng cơ quan của mẹ có hai con đều học ở Nguyễn Siêu thì bác nói mẹ không nên lo lắng làm gì mà tập trung vào chăm sóc sức khoẻ cho con. Mẹ cũng mua thuốc ngậm cho con nhưng khi ngậm thuốc thì con lại bị rát lưỡi. Hôm chủ nhật vừa rồi con đi học tập viết buổi đầu tiên. Về nhà con kể là khi đọc chữ cái cô báo là con đọc bị ngọng nên mẹ càng lo lắng. Thôi chẳng biết sao chỉ cầu cho con khoẻ mạnh và thể hiện tốt nhất trong hôm giao lưu dự tuyển.




Trong tháng 4 và tháng 5 lịch thi của con cũng khá dày đặc. Ngày 23/4 con dự tuyển vào Trường Tiểu học DL Nguyễn Siêu. Ngày 24/4 con thi tốt nghiệp lớp Piano Pink 1 ở Học viện Âm nhạc Quốc Gia và ngày 28/5 con thi tuyển vào Trường Tiểu học DL Đoàn Thị Điểm.  Sở dĩ mẹ cho con thi cả hai trường để nếu đỗ được trường nào thì tốt trường đó. Trong trường hợp không đỗ trường nào thì mẹ đành phải nộp đơn cho con vào Trường Tiểu học Tân Định hoặc Đền Lừ gần nhà theo tuyến mặc dù không muốn cho con học trường công lắm vì thứ nhất không có người đón con. Thứ hai là chế độ ăn uống chăm sóc không được tốt. Khi vào trường công có thể con sẽ gặp rất nhiều khó khăn để làm quen vì con đã quen với môi trường và sự chăm sóc của trường tư thục. Hơn nữa nếu được học ở Nguyễn Siêu hoặc Đoàn thị Điểm thì con sẽ được phát triển toàn diện văn – thể - mỹ và hàng ngày được học với giáo viên tiếng Anh bản ngữ. Con sẽ không phải đi học thêm nhiều ngoài Piano.



Một chút băn khoăn nên mẹ viết vài dòng tâm sự với con. Mẹ chúc con có sức khoẻ tốt để giao lưu dự tuyển đạt kết quả tốt. Mẹ đã hứa với con là nếu con đỗ vào trường Nguyễn Siêu, mẹ sẽ có thưởng và mẹ sẽ giữ lời hứa.

Thứ Tư, 16 tháng 3, 2011

MẸ KỂ CON NGHE...

Con trai yêu quý! Có một điều mẹ ấp ủ từ lâu muốn tâm sự với con mà đến hôm nay mẹ quyết định kể cho con nghe dù biết con mới có 6 tuổi chưa biết đọc biết viết thì làm sao mà hiểu được nhưng mẹ hy vọng khi lớn lên, con đọc được sẽ hiểu thêm về câu chuyện của bố và mẹ.
Đối với bố và mẹ, con là một sản phẩm rất hoàn hảo và vô giá của một tình yêu suốt gần 4 năm đại học cho đến bây giờ là gần 13 năm với bao nhiêu niềm vui, nỗi buồn và có cả những khó khăn. Có những khó khăn bố mẹ đã có thể lường trước và những khó khăn mới nảy sinh. Dẫu có những lúc vất vả và mệt mỏi pha lẫn những giây phút tủi thân khi nhìn những người khác được chồng đưa đón và những khi không được chồng quan tâm… Mẹ đã đoán trước được điều này khi yêu bố con và cũng đã chuẩn bị sẵn tinh thần. Mẹ phải thừa nhận là có những lúc mẹ rất nản lòng và thấy chán nữa nhưng vượt lên trên hết tất cả những khó khăn, mẹ vẫn nhận thấy rằng mẹ không bao giờ hối tiếc về quyết định của mình.

Mẹ và bố biết nhau khi mới bước chân vào cổng trường đại học khi trường ĐH của mẹ tổ chức tập quân sự. Lúc đó các bạn trong lớp đều rất xa lạ vì mọi người chưa biết nhau. Lẫn trong những người bạn cùng lớp, mẹ nhìn thấy một người có thể nói là đẹp trai đang cặm cụi viết mà viết bằng tay trái. Mẹ thầm nghĩ “Ơ bạn này viết tay trái này. Giỏi thật đấy mà chữ cũng không xấu lắm” Nhưng rồi mẹ rất bất ngờ khi người ấy đứng lên và mẹ phát hiện người ấy chỉ có một cánh tay trái. Cánh tay phải gần như là mất hết. Lúc đó tự nhiên mẹ chẳng thấy sợ đâu mà trong mẹ trào dâng một cảm xúc khó tả: khâm phục và đồng cảm. Thời gian qua đi, mẹ và người ấy trở nên thân nhau hơn qua những buổi học ở thư viện và những buổi ôn thi. Mẹ và người ấy trở thành hai người bạn, có thể thân thiết hơn hai người bạn bình thường. Rồi mẹ biết vì sao người ấy chỉ có một cánh tay trái. Năm người ấy lớp 6, một tai nạn đáng tiếc đã xảy ra là hậu quả của một trò nghịch dại đã vĩnh viễn lấy đi của người ấy cánh tay phải trước sự đau đớn của bố mẹ, anh chị và người thân. Do chuyển lên bệnh viện Việt Đức quá chậm nên bác sỹ không thể làm được gì hơn là phải cắt tay phải đi. Khi biết rõ ngọn ngành câu chuyện, mẹ cảm thấy thương người ấy vô cùng. Trong mẹ tồn tại hai tình cảm dành cho người ấy: tình yêu và tình thương. Dù bị tay như vậy nhưng người ấy không hề mặc cảm mà ngược lại rất tự tin và còn học rất giỏi. Không những thế, điều kiện gia đình cũng không hề khá giả. Bố mẹ đã già mà nhà lại đông anh em. Người ấy là con út trong gia đình. Thời gian cứ thế trôi đi rồi đến khi năm thứ nhất đại học đã gần trôi qua. Mẹ và người ấy phải chia tay nhau để về nghỉ hè. Mỗi người một nơi: Nam Định và Hải Dương. Mẹ về nghỉ hè trong sự nhớ nhung và thiếu nợ một câu trả lời cho lời tỏ tình đặc biệt của người ấy. Trước khi về nghỉ hè, người ấy có tặng mẹ một băng ca nhạc có những bài mà người ấy hay nghe và rất thích. Dù được nghỉ hè về với bố mẹ và các em vốn là sự chờ đợi của mẹ sau bao nhiều ngày đi học xa nhà nhưng sao mẹ vẫn nghĩ nhiều đến người ấy và buồn lắm. Mỗi khi mở những bài hát trong cuốn băng người ấy tặng, mẹ nhớ người ấy vô cùng và vừa nghe nhạc vừa khóc. Mẹ đã yêu người ấy thật rồi. Nhiều lúc gần đến giờ bố mẹ đi làm về phải vội vàng lau nước mắt không bố mẹ mà biết chuyện thì chết. Mẹ sợ bố mẹ mà biết thì sẽ bị sốc và sẽ không bao giờ đồng ý với mối quan hệ này. Cũng dễ hiểu thôi vì bố mẹ nào mà chẳng muốn con mình được hạnh phúc và sung sướng. Bố mẹ mà biết con gái mình yêu thương một người không bình thường thì chắc sẽ rất thất vọng. Bao nhiêu công sức nuôi nấng và dạy dỗ từ tư khi còn trong bụng đến khi lớn lên lại yêu một người chỉ có một cánh tay trái thì chắc chắn là sẽ khổ. Rồi còn sĩ diện của bố mẹ nữa chứ mà bố của mẹ rất thương con và nghiêm khắc. Mẹ cũng biết trước được điều đó nhưng mẹ vẫn dành tình cảm cho người ấy, một tình cảm chân thành không toan tính. Mấy tháng hè cũng sắp qua mà mẹ chẳng nhận được bức thư nào của người ấy. Mẹ buồn và thất vọng lắm. Cho đến một hôm lá thư mẹ mong chờ cũng đã đến. Mẹ rất háo hức mở thư ra đọc nhưng thật bất ngờ, giọng điệu trong thư người ấy rất khác: lạnh lung và bất mãn. Mẹ nhớ nhất một câu “Hay là Dịu không muốn kết bạn với người khuyết tật?” Câu nói này làm mẹ rất uất ức vì nó như một gáo nước lạnh dội vào trái tim mẹ. Sao người ấy lại có thể nói thể được nhỉ? Rồi mẹ quyết định không thèm viết thư trả lời và giữ sự hậm hực cho đến những ngày cuối cùng của kỳ nghỉ hè khi mẹ bất ngờ nhận được 2 bức thư của người ấy đã bị thất lạc từ mấy tháng bây giờ mới đến tay mẹ. Đọc thư xong, mẹ đã hiểu rõ ngọn ngành. Vì người ấy viết cho mẹ hai bức thư mà không nhận được hồi âm của mẹ nên người ấy nghĩ mẹ không quan tâm và không có tình cảm dành cho người ấy. Biết vậy, mẹ cũng không trả lời và để đến khi mẹ lên Hà Nội để bắt đầu năm học mới mẹ mới gặp người ấy nói rõ mọi chuyện.
Buổi tối trước buổi học đầu tiên của năm học mới, mẹ đã nhận được một bó bánh gai của một cậu bé lạ mang vào. Mẹ hỏi bánh ở đâu thì biết có một người gửi cậu bé này mang vào cho mẹ. Mẹ đã linh cảm đó là người ấy hơn nữa bánh gai là đặc sản của Nam Định. Rồi mẹ chạy ra cổng thì không thấy ai cả. Mẹ sang nhà một người bạn thì mới biết là người ấy vừa ở đó ra và mang đến cho họ bánh gai. Lúc đó mẹ tức giận vô cùng và không hiểu tại sao người ấy lại không thèm gặp mẹ. Về đến cổng, mẹ nhìn thấy người ấy đang đứng ở trước mặt. “Tại sao T đến đây mà không vào gặp D? T quá đáng quá!” mẹ hỏi với giọng rất tức giận. “Có phải D không muốn kết bạn với người khuyết tật như T?” người ấy hỏi với một vẻ thất vọng và bất mãn. Chẳng ai nói với ai câu gì rồi người ấy chia tay ra về. Mẹ buồn lắm. Hôm sau đi học, chẳng ai nói với ai câu gì. Mặt ai cũng đầy căng thẳng và tức giận. Cuối buổi học đầu tiên, không thể chịu được cảm giác căng thẳng khó chịu, mẹ và người ấy đã quyết định nói rõ ngọn ngành với nhau. Cuộc nói chuyện kèm theo to tiếng kéo dài hơn hai tiếng đồng hồ. Cũng may mọi chuyện được giải quyết êm đẹp. Chuyện gì đã qua thì cho qua. Mẹ và người ấy đã làm hoà. Không những thế mẹ và người ấy còn hẹn nhau đi chơi ở Hồ Gươm vì từ hồi mẹ ra Hà Nội mẹ chưa biết Hồ Gươm. Buổi đi chơi với nhau đầu tiên đã đến. Mẹ và người ấy chở nhau trên chiếc xe đạp cũ. Mẹ người trước, người ấy ngồi đằng sau đạp xe cho mẹ. Đi được một đoạn thì xe bị thủng xăm. May qua, ở gần bến xe buýt có một hàng sửa xe. Thế là mẹ và người ấy mang xe vào sửa. Trong lúc chờ đợi, mẹ và người ấy đã ngồi ở bến chờ xe buýt. Rồi người ấy lại hỏi mẹ câu hỏi mà mẹ còn nợ câu trả lời. Nhưng mẹ vẫn giữ im lặng và chẳng trả lời mà cúi gằm xuống. Thế rồi người ấy tự nhiên hỏi mẹ “D đồng ý nhé” và mẹ đã gật đầu. Người ấy vui lắm và mẹ cũng vậy. Đúng lúc đó, xe đạp đã được sửa xong. Mẹ và người ấy lại bon bon trên đường như lúc chưa hỏng xe nhưng tâm trạng hai người thì hoàn toàn thay đổi: hạnh phúc và đầy hy vọng. Và thế là tình yêu giữa mẹ và người ấy bắt đầu từ ngày ấy cho đến bây giờ đã gần 13 năm, từ mùa thu năm 1999 và ngày 11/10/2003 là ngày cưới của mẹ và người ấy.

Đọc đến đây con có thể biết “người ấy” là ai rồi đúng không. Đó là người bố đáng kính và đầy nghị lực của con đó. Đã có lần mẹ kể cho con bố là tấm gương sáng để con noi theo. Kế từ khi bố và mẹ chính thức yêu nhau cho đến bây giờ đã có nhiều niềm vui và có cả những nỗi buồn với nhiều kỷ niệm mà mẹ sẽ không bao giờ quên. Rồi mẹ sẽ kể cho con nghe thêm nhé.