Thứ Hai, 2 tháng 7, 2012

Cả nhà cùng cố gắng nhé!

Tối chủ nhật, 27/5/12, mẹ và Bi sang nhà cô Phương hàng xóm xem phim 3D cùng với nhà bác Trinh hàng xóm. Khi cả nhà đang đeo kính 3D để xem phim thì con đeo kính 3D ngồi chơi đồ chơi của em Nai Tơ nhà cô Phương. Ngồi chơi một lúc, con chán và về nhà. Một lúc sau, con chạy sang kêu ca với mẹ là bố tắt máy tính của con đi. Con không muốn bật lại. Thấy vậy, bác Trinh mới nói với mẹ "Này, chị thấy thằng Bi có vấn đề không bình thường. Gần đây chị thấy hay cáu gắt, kêu ca và động tý là lăn đùng ngã ngửa ra. Hồi trước, chị cho Bống đi khám tự kỷ vì thấy con mình hiền quá lại chẳng chịu chơi với ai ở Viện Nhi TW thấy có rất nhiều trẻ có biểu hiện như Bi bị bác sĩ chuẩn đoán là tăng động. Em cho Bi đi khám xem thế nào. Không bị làm sao thì tốt quá mà có bị tăng động thì bây giờ cũng còn đang rất nhẹ nên có thể khắc phục được. Để sau này, nhỡ có vấn đề gì thì ân hận." Nghe bác Trinh nói, mẹ cảm thấy hơi choáng váng và vô cùng lo lắng. Tai mẹ như ù đi. Ngồi ngẫm lại và sâu chuỗi lại những biểu hiện của con, mẹ thấy bác Trinh nói có lý vì mẹ thấy gần đây con có những biểu hiện như dễ cáu, thiếu kiên nhẫn, mất tập trung, không chú ý nghe cô giảng, động tý thì khóc, kết quả học tập có vẻ không như hồi đầu năm. Không thể tiếp tục xem phim được nữa, mẹ chạy về nhà mở máy tính ra và google những biểu hiện của bệnh Tăng động, giảm chú ý. Tim mẹ như loạn nhịp và đầu mẹ choáng váng vì thấy những dấu hiệu của bệnh này con hầu như là có hết. Mẹ quyết định hôm sau đưa con đến Khoa Tâm bệnh của Viện Nhi TW để khám. Đêm hôm ấy, mẹ trằn trọc không ngủ yên giấc.

Sáng hôm sau, hai mẹ con đi khám. Vừa đến cổng bệnh viện đã choáng ngập bởi bệnh viện quá đông đúc mà trời thì nắng nóng. Được chỉ dẫn, 2 mẹ con vào khám ở khu tự nguyện với chi phí gần như là Việt - Pháp mà lại nhanh. Sau khi mua sổ và đăng ký, chỉ loáng một cái là con đã được gọi vào khám. Sau khi hỏi một số thông tin về con, bác sỹ cho con chơi trò chơi xếp những miếng gỗ nhiều hình khối khác nhau thành một khối hoàn chỉnh để kiểm tra về sự tập trung, chú ý, kiên nhẫn và trí thông minh. Trong lúc đó, mẹ ngồi điền thông tin vào phiếu điều tra. Khi điền thông tin, mẹ vẫn để ý xem con xếp hình thế nào. Mẹ thấy con hơi hấp tấp, không suy nghĩ kỹ nên xếp sai. Khi con hỏi bác sĩ thì hỏi trống không. Khi bác sĩ hướng dẫn chưa xong thì con đã nói là biết rồi. Kết quả là lần đầu con chưa xếp được. Sau khi bác sĩ hưỡng dẫn lại thì con làm được. Cầm tờ thông tin mẹ điền cộng với những gì chứng kiến của bác sĩ khi con tham gia trò chơi xếp hình, bác sĩ chẩn đoán là con bị Tăng động, Giảm chú ý. Nguyên nhân vừa do môi trường và vừa do bẩm sinh. Phải kiên trì thì mới khắc phục được. Bố mẹ không được mắng mỏ hay đánh con mà phải rất nhẹ nhàng nhưng cương quyết. Dù đã chuẩn bị tâm lý nhưng mẹ vẫn không khỏi lo lắng. Cũng may là mới đang ở thời kỳ chớm nên bác sĩ kê thuốc bổ và khuyên nên cho con tham gia vào lớp dạy kỹ năng dành cho trẻ Tăng động. Buổi chiều hôm đó, mẹ dành rất nhiều thơi gian để tìm lớp kỹ năng cho con học. Bác Trinh có gợi ý cho mẹ mấy trung tâm gần nhà, trong đó có phòng khám Tuna. Vì phòng khám này cũng có trong danh sách tờ rơi của Khoa Tâm bệnh, Viện Nhi TW nên mẹ nghĩ Phòng khám này là địa chỉ tin cậy, lại gần nhà. Vì vậy, mẹ đã đưa con đến đó để đăng ký lớp học. Bình thường, khi đăng ký lớp học, con sẽ phải khám lại nhưng vì bác sĩ khám cho con ở Viện nhi lại là học trò của bác sĩ Trưởng phòng khám Tuna nên con không phải khám lại nữa. Chương trình giai đoạn 1 là 10 buổi học. Một tuần 3 buổi vào thứ Ba, Năm, Bảy, 17:00 - 18:00, bắt đầu từ ngày 29/5/12. Con học một thầy một trò với cô Linh Nga. Vào những buổi học của con, mẹ xin phép sếp nghỉ sớm để về đón con và đưa con đi học và mẹ làm bù giờ vào hôm sau. Sau mỗi buổi học, cô ghi lại những hoạt động và nội dung 2 cô cháu tham gia và học và chuyển lại cho bố mẹ qua quyển số liên lạc. Bố mẹ cũng ghi lại những ý kiến cũng như những việc mà con đã làm tốt và chưa làm tốt. Bố mẹ cũng yên tâm và hy vọng con sẽ tiến bộ vì bố mẹ tin rằng mình đã tìm được cho con địa chỉ tốt vì ở đây con không chỉ học những kỹ năng sống mà con học được những cách ứng xử tốt và nâng cao kiến thức. Cô Linh Nga khen con nhiều vì con rất thông minh (IQ Test 95%), ngoan, chú ý nghe lời cô giảng. Sau một vài buổi học, mẹ thấy con rất tiến bộ: con nghe lời bố mẹ hơn, xem tivi ít hơn, giám sự cáu bẳn, còn giúp mẹ rửa cốc sau khi uống sữa...Nhờ có việc này, bố mẹ cũng đã phải thay đổi và rút kinh nghiệm rất nhiều: Không mắng mỏ hay đánh con mà rất nhẹ nhàng chỉ bảo con; bố mẹ dành nhiều thời gian để chơi với con để gần gũi hơn với bố mẹ và giảm thời gian xem tivi.

Thời gian trôi cũng nhanh, 10 buổi học của giai đoạn 1 kết thúc bằng buổi tư vấn gia đình giữa cô Linh Nga, BS. Bưởi, mẹ và Bi. Trong buổi tư vấn, cô Linh Nga tổng kết lại những mặt được và chưa được của con sau 10 buổi học. Cô đánh giá là con thông minh, ngoan ngoãn, nghe lời cô, hoàn toàn bình thường về mặt tâm lý. Những biểu hiện của con chỉ là do con quá hiệu động - một dấu hiệu bình thường của trẻ thông minh. Từ trước đến giờ, cô chưa tiếp xúc với bạn này mà lại thông mình mà lanh lẹn đến thế. Nếu cho điểm, cô phải cho Thái Dương điểm 10. Những buổi học này không thể gọi là trị liệu mà chỉ là giúp con hoàn thiện nhân cách hơn mà thôi. Không những thế, con còn có ước mơ rất đẹp. Cô hỏi lại ước mơ của con là gì. Con trả lời "ước mơ của con là trở thành một nhà phát minh tài ba". Mẹ thấy nhẹ lòng và thấy rất sung sướng. Tuy nhiên, có điểm mà con và bố mẹ phải khắc phục là con hơi mập và lười vận động. Về trí tuệ thì con đứng đầu danh sách còn về vận động thì chỉ ở cuối danh sách. Bố mẹ thấy mình cũng có những sai sót vì công việc bận rộn, thời gian eo hẹp nên bố mẹ chưa dành nhiều thời gian để cùng con tham gia những hoạt động thể thao rèn luyện thân thể. Thực ra, mẹ có nguyện vọng là mùa hè này phải cho con đi học bơi mà mẹ chưa hỏi được lớp nào ngoài giờ để đăng ký cho con. Cũng trong buổi tư vấn, con còn ký cam kết với BS. Buổi là mùa hè này con sẽ quyết tâm học bơi. Đây là lần đầu tiên trong đơi, con ký tên và ký một bản cam kết. Dù không ký vào bản cam kết nhưng mẹ hứa với con là mùa hè này sẽ tìm lớp cho con học bơi. Mùa hè này con phải biết bơi. Bới để an toàn cho bản thân và rèn luyện sức khoẻ.

Kết thúc buổi tư vấn, BS. Buổi có phần thưởng cho con vì thời gian qua con đã rất ngoan và tiến bộ. Nhiệm vụ tiếp theo của con và bố mẹ là cho con đi học bơi, hạn chế xem tivi, bố mẹ chơi nhiều với con và phải có chế độ khen chê đúng mực. May mắn là con không có vấn đề gì về tâm lý nhưng nhân việc này, bố mẹ cũng rút ra được nhiều bài học ý nghĩa cho bản thân để trở thành bố mẹ tốt và để nuôi dạy con trưỏng thành trở thành một con ngoan trò giỏi. Cả nhà mình cùng cố gắng nhé!

Thứ Năm, 10 tháng 5, 2012

Bi tự ngủ một mình

Từ khi chuyển về nhà mới, bố mẹ dành một phòng riêng cho con nhưng con còn sợ chưa dám ngủ một mình. Thế là mỗi tối bố hoặc mẹ phải ngủ cùng với con. Vì con ngó ngoáy mãi mới chịu ngủ nên chủ yếu là bố ngủ với con vì thiếu ngủ mẹ lái xe không được an toàn. Sau gần 8 tháng, bố mẹ quyết định rèn luyện cho con tự ngủ chứ không cần bố hay mẹ ngủ cùng vì con cũng đã 7 tuổi rồi. Bố mẹ phải động viên mãi con mới đồng ý tự ngủ một mình.
Đêm thứ nhất, sau khi chúc con ngủ ngon, bố mẹ về phòng và rất phấn khởi vì con đã đồng ý tự ngủ. Thế nhưng, đêm đầu tiên con đã gõ cửa phòng bố mẹ 3 lần. Lần thứ nhất lý do là đèn sáng quá và mẹ sang chỉnh lại cho con. Vẫn chưa ổn. Lần thứ hai lý do là con nóng quá và mẹ sang chỉnh quạt cho con. Lại vẫn chưa ổn. Lần thứ ba lý do là con bị đau bụng nên phải có ai đó ngủ cùng thì con mới khỏi đau bụng. Lần này bố sang xem con thế nào và định nằm ngủ cùng với con nhưng mẹ không đồng ý vì làm như vậy thì không thể rèn luyện con tự ngủ được. Rồi mẹ sang bôi dầu gió cho con, động viên con ngủ ngoan và mẹ về phòng. Đêm hôm đó, con chỉ gõ cửa 3 lần rồi ngủ một mạch đến sáng.
Đêm thứ hai, cũng như đêm thứ nhất, mẹ dỗ dành con ngủ một mình. Hai mẹ con chúc nhau ngủ ngon rối rít. Mẹ hào hứng vì nghĩ rằng đêm nay con sẽ ngủ ngon. Đêm hôm đó, con chỉ gõ cửa một lần vì đèn sáng quá. Sau khi sang điều chỉnh đèn cho con, con đã ngủ ngoan và không gõ cửa lần nào nữa. Mẹ chắc bẩm là từ đêm hôm sau con sẽ ngủ ngoan và không gõ cửa phòng bố mẹ nữa.
Đêm thứ 3 thì hoàn toàn không giống như mẹ dự đoán. Không những con không ngủ ngoan mà còn gõ cửa phòng bố mẹ nhiều lần hơn. Lý do là đèn sáng, nóng, con sợ con gián, tiếng gì như tiếng ve sầu. Bố và mẹ thay nhau sang dỗ dành động viên con nhưng cũng không ăn thua. Đêm hôm đó con đã ngồi trước cửa phòng bố mẹ khóc âm lên. Dù thương con nhưng bố mẹ quyết tâm không được ai sang ngủ cùng dù con cứ đòi mẹ ngủ với con một tí thôi. Cuối cùng, mẹ cũng sang ngồi vỗ cho con ngủ. Vì buồn ngủ quá nên mẹ chỉ vỗ mông mấy cái là con đã ngủ rồi. Lúc đó cũng đã muộn. Đêm hôm đó, mẹ đã thiếu ngủ.
Hai đêm tiếp theo thì ông bà ngoại lên chơi nên bố mẹ tạm gác chiến dịch cho Bi tự ngủ. Sau khi ông bà về, chiến dịch lại tiếp tục.
Đêm tiếp theo là đêm đánh dấu con đã tự ngủ ngoan mà không sang gõ cửa phòng bố mẹ một lần nào. Con đọc truyện doremon rồi tự ngủ. Sáng dậy, bố mẹ thấy con lấy mấy quyển sách tự che đèn rồi chắn gối quanh giưởng.
Cứ như vậy, giờ con đã tự ngủ một mình ngoan ngoãn, ngoại trừ một đêm con kêu là “Con chán ngủ một mình lắm rồi!” nhưng cuối cùng con vẫn tự ngủ.
Con trai của mẹ đã lớn rồi!

Bố mẹ có đòi hỏi ở con nhiều quá không?

Con trai yêu quý,
Lúc này đây tâm trạng mẹ rối bời và không biết phải làm sao nữa. Không biết có phải bố mẹ đòi hỏi ở con quá nhiều đối với một học sinh lớp một không nhưng quả thật hôm qua mẹ rất buồn và lo lắng. Mẹ trải lòng vào trang blog để nhẹ bớt một phần và để sau này con đọc có thể thấy mình đã từng làm bố mẹ phải lo lắng, buồn phiền khi mình còn bé và khi mình lớn lên, mình đã thay đổi thế nào.
Khi bố mẹ đón con từ nhà ông bà Tứ, con có nói là thi học kỳ con là một trong 4 bạn viết xấu và đọc hiểu làm sai. Mẹ buồn lắm và chút thất vọng vì tính cẩu thả của con và sự thiếu tập trung của con không hề tiến bộ chút nào. Mẹ suy nghĩ suốt từ lúc đón con đến khi về đến nhà làm cho sự mệt mỏi sau một ngày làm việc và đối mặt với giao thông ngột ngạt lại càng thêm nặng nề.
Buổi tối, sau khi học piano với cô Hồng Anh, ăn cơm và nghỉ ngơi. Con làm bài tập toán để chuẩn bị cho thi học kỳ vào thứ 6. Mẹ cũng phải giục con rất nhiều lần con mới chịu ngồi vào bàn học. Con đã làm một số câu trong lúc chờ bố mẹ ở nhà ông bà Tứ. Mẹ có xem qua bài thì có một vài câu con gạch xoá toe toét cộng với mấy câu con không tự làm và hỏi chị Hà nhà ông bà Tứ. Mẹ thấy không hài lòng vì con không bao giờ chịu đọc kỹ đề và suy nghĩ. Thấy khó một chút là hỏi người khác ngay. Khi làm những bài còn lại, con gặp một bài mà con cho là khó (vì con đã suy nghĩ kỹ đâu) nên con hỏi bố mẹ. Bố đã giảng bài cho con rất kỹ và con tỏ ra rất hiểu bài. Nhưng đến khi con làm bài thì sai hoàn toàn thể hiện con không hiểu bài một chút nào. Một số bài toán khác cũng bị sai do cẩu thả và chưa đọc kỹ đề. Lúc đó mẹ đã không thể nhịn được nên mẹ gọi cho cô chủ nhiệm để hỏi xem dạo này trên lớp con học thế nào mà càng về cuối năm ý thức cũng như học lực của con càng xuống cấp.
Cuộc điện thoại của cô giáo bắt đầu bằng một câu than vãn của mẹ “Chị ơi, em đang buồn với con trai quá chị ạ. Không biết ở lớp con có chịu nghe lời cô giảng không mà về nhà làm bài sai hết như không hiểu bài”. Cô giáo cũng đáp lại “2 tháng gần đây, chị mệt với bạn ấy lắm. Chị phải luôn luôn đứng cạnh con trai để kèm. Chị còn cho ngồi ở bàn thứ 3 chính giữa bảng để cô để ý được. Những lúc nào rời cô ra là lại ngồi làm việc riêng không chịu nghe cô giảng. Có lúc còn ngồi trong lớp bôi mực vào bàn, nghiền nát cục tẩy ra. Mấy cô giáo lớp bên cạnh còn phải thốt lên là tại sao chị lại vất vả với cậu bé này thế. Trong lớp bạn Tâm là cá biệt nhất cũng đã tiến bộ rất nhiều. Làm bài thi đọc hiểu cũng chỉ sai một chút nhỏ. Còn con trai chỉ được ¾ câu và lại sai câu dễ nên cô buồn lắm”. Câu chuyện giữa mẹ và cô chủ nhiệm kéo dài khá lâu vì có rất nhiều điều cần nói về con. Cô còn động viên mẹ là phải từ từ kiên trì thì con mới có thể thay đổi được. Còn về khả năng tư duy nhanh nhẹn thì con hơn rất nhiều bạn trong lớp. Mẹ nghĩ nếu con có thông minh, nhanh nhẹn đến đâu mà cẩu thả, thiếu tập trung và lười học, lười suy nghĩ thì rất khó có thể thành công sau này. Vì những điều này, con có thể tuột tay nhiều cơ hội. Con cũng được chọn thi học sinh giỏi Toán và tiếng Anh vì con có năng lực. Nhưng chỉ vì bất cẩn nên con đạt điểm thấp kém bạn kém bè. Nhiều lúc mẹ tự hỏi không hiểu sao việc học hành của con lại khổ sở đến vậy và mẹ phải căng thẳng và lo lắng đến vậy? Có phải mẹ đã đòi hỏi quá đáng đối với đứa bé ở độ tuổi vui chơi không biết chán như con? Mẹ có hỏi mấy cô ở cơ quan thì cô ấy nói trẻ con ở tuổi này ai cũng vậy. Nếu thực tế là như vậy thì mẹ cũng đỡ lo vì hy vọng lơn lên con sẽ khác. Để giúp con có những hành trang tốt nhất để bước vào đời nên bố mẹ đã không ngần ngại đầu tư cho con: học ở trường Nguyễn Siêu với mức chi phí gần 6triệu/ tháng, học đàn piano, học UCIMAS, tiếng Anh… Nhưng ngược lại, con chưa thể hiện sự yêu thích một môn học nào ngoại trừ tiếng Anh nhưng con cũng lười khi viết những câu dài. Có phải bố mẹ đã cho con xem nhiều truyện đoremon, xem nhiều hoạt hình nên con trở nên lười học? Có phải bố mẹ đã tạo điều kiện cho con quá nên vô hình chung đã làm cho con thấy không thấy thiếu thốn gì. Bố mẹ cũng chẳng biết nữa chỉ biết rằng bố mẹ mẹ sẽ lo cho con bằng tình thương và trái tim của bố mẹ muốn con mình có điều kiện tốt nhất để phát triển và trưởng thành. Bố mẹ hy vọng con sẽ thay đổi tốt lên khi con lớn dần. Bố mẹ sẽ chờ đợi ở con và cập nhật những thay đổi.
Con phải cố gắng nhiều lắm!